Cattour

Kinh nghiệm

Du lịch Nhật Bản tết dương lịch khám phá phong tục đón năm mới xứ Phù Tang

26/11/2018

Du lịch Nhật Bản tết dương lịch là cơ hội tuyệt vời để du khách có cơ hội khám phá và trực tiếp trải nghiệm những phong tục tập quán và văn hóa của người Nhật trong dịp năm mới. Vậy người Nhật Bản đón tết như thế nào? Có giống tết Việt Nam? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây

I. Đôi nét về ngày tết Nhật Bản

Khác với Việt Nam và một số nước châu Á, người Nhật Bản tổ chức đón năm mới vào ngày mồng 1 tháng 1 Dương lịch hàng năm.

Tuy nhiên, trước đây Nhật Bản cũng từng đón tết theo lịch âm giống chúng ta. Cho đến năm 1873, người Nhật đã chuyển qua ăn tết theo lịch dương giống như các nước phương tây để tiết kiệm thời gian và mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho đất nước.

II. Du lịch Nhật Bản tết dương lịch xem người Nhật Bản đón tết ra sao

Du lịch Nhật Bản tết dương lịch là cơ hội tuyệt vời cho du khách tìm hiểu về những hoạt động của người Nhật để chuẩn bị chào đón một năm mới, tìm hiểu về nền văn hóa dân tộc của Nhật Bản. Vậy vào dịp Tết người Nhật Bản thường làm những gì?

1. Những ngày giáp tết

1.1. Dọn dẹp nhà cửa

Tuy còn nhiều thời gian mới sang năm mới nhưng người Nhật Bản đã chuẩn bị đón tết từ giữa hoặc thậm chí đầu tháng 12. Cũng như người Việt Nam, người Nhật cũng có truyền thống dọn dẹp nhà cửa, công ty để xóa sạch những điều xui xẻo của năm cũ và sẵn sàng chào đón những điều may mắn của năm mới sắp đến.

1.2. Trang trí nhà cửa

Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, người Nhật Bản có phong tục trang trí nhà cửa và công ty bằng cách đặt trước cửa cây nêu hoặc cây Kadomatsu (những cành thông xếp cạnh ống tre tươi). Người Nhật quan niệm rằng đây chính là chiếc thang để đón Thần năm mới Toshigamisama với mong muốn vị thần này sẽ đem đến sức khỏe, trường thọ, thịnh vượng, may mắn và  hạnh phúc cho cả gia đình.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Cây Kadomatsu - vật trang trí độc đáo của Nhật Bản dịp tết
 

1.3. Trao tặng bưu thiếp

Để chào đón năm mới, người Nhật Bản thường viết và gửi các bưu thiếp chúc mừng cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp của mình. Các tấm bưu thiếp này thường được trang trí bằng hình ảnh con giáp đại diện cho năm mới sắp đến. Họ ghi những lời cảm ơn cho năm cũ và lời chúc năm mới an lành và may mắn đến những người mình yêu quý. Những tấm bưu thiếp này thường được gửi trước khi năm mới đến và cũng có thể kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Một mẫu bưu thiếp năm mới của Nhật Bản
 

2. Ngày tất niên

Cũng như Việt Nam, ngày cuối cùng của năm cũ cũng là dịp tuyệt vời để người Nhật Bản sum họp cùng gia đình để cùng ăn bữa tất niên và chờ đợi khoảnh khắc giao thừa. Trong bữa ăn, cả gia đình quây quần bên nhau cùng thưởng thức món Toshikoshi Soba làm từ kiều mạch và cùng xem chương trình Houhaku Uta Gassen - chương trình thường niên mỗi dịp cuối năm, là đại hội tranh tài của các nghệ sỹ nổi tiếng Nhật Bản với hai đội hồng và trắng để giật cúp và lá cờ chiến thắng. Những câu chuyện trong năm cũ cũng được ôn lại và những dự định mới sẽ được cùng nhau chia sẻ trước thềm năm mới

du lịch nhật bản tết dương lịch
Tất niên sum họp của gia đình Nhật Bản
 

3. Đêm giao thừa

Vào đúng thời khắc 0 giờ đêm giao thừa, mọi người sẽ cùng ở bên nhau và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới. Đặc biệt, vào đúng lúc này, tất cả mọi ngôi chùa ở Nhật Bản sẽ đồng loạt rung chuông chào năm mới.

Người ta đẩy một cây gỗ lớn treo trước chuông húc vào chiếc chuông tạo nên âm thanh trầm và vang. 108 âm chuông ngân vang để xua đi 108 ham muốn trần tục gây nên những đau khổ cho con người. Tiếng chuông như một lời tạm biệt năm cũ và lời tuyên bố chính thức năm mới đã đến trên toàn nước Nhật.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Nhật Bản có truyền thống rung chuông vào khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới
 

Ngoài ra, các đền thờ Shinto ở khắp Nhật Bản đều đã chuẩn bị sẵn Amazake (loại rượu truyền thống nhẹ có vị ngọt) để phát cho những người cầu nguyện ở đền vào đêm giao thừa.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Rượu gạo Amazake
 
du lịch nhật bản tết dương lịch
Một ngôi đền Nhật Bản vào đêm giao thừa
 

Người Nhật Bản cũng thường hay mua cho mình những lá bùa cầu may từ các Miko (nhà sư giữ đền) để giữ trong người, hi vọng một năm khỏe mạnh và may mắn.

4. Những ngày đầu năm mới

Ngày 1 tháng 1 là ngày đầu tiên của năm mới. Từ ngày 1 đến ngày 3 được gọi là ngày tết San ga Nichi, là ngày nghỉ tết của hầu hết công ty, cửa hàng. Vậy trong những ngày tết này, người Nhật thường có những hoạt động nào để chào đón năm mới?

4.1. Đón bình minh

Người Nhật thường có truyền thống thức dậy trước khi bình minh để cùng nhau ngắm nhìn mặt trời mọc với mong muốn có một khởi đầu tốt đẹp cho năm mới. Các sóng truyền hình Nhật Bản cũng liên tục phát những hình ảnh mặt trời mọc tại các địa điểm khác nhau trên toàn nước Nhật để người dân cùng thưởng thức.

4.2. Đi lễ chùa

Nhiều người đã khởi hành đi lễ chùa vào thời khắc giao thừa nhưng cũng có người đến ngày mồng 1 năm mới mới thư thả đến đền chùa để cầu phúc. Vào những ngày này, đền chùa ở khắp mọi nơi trên đất nước đều vô cùng đông đúc, đặc biệt là những đền chùa nổi tiếng, linh thiêng. Hình ảnh những đoàn người xếp hàng dài, nối đuôi nhau để vào lễ đã trở nên quá quen thuộc vào dịp năm mới.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Dòng người đến chùa cầu nguyện vào những ngày đầu năm mới
 
du lịch nhật bản tết dương lịch
Bạn nhớ rửa sạch đôi tay trước khi vào lễ nhé
 

Người Nhật Bản thường dùng đồng xu 5 Yên để làm tiền lễ khi đến đền chùa. Bời đồng xu 5 Yên được coi là đồng xu may mắn của Nhật Bản (do cách phát âm 5 là Go-en, đồng âm với Duyên hay May mắn) với mong muốn năm mới thật nhiều may mắn sẽ đến với mình.

4.2. Gặp và chúc tết người thân

Vào những ngày đầu tiên trong năm mới, người Nhật thường sẽ nói “Akemashite Omedetou Gozaimasu” - đây là câu chúc mừng năm mới theo tiếng Nhật. Họ cũng sẽ gọi điện hay gửi mail chúc tết những người thân, bạn bè ở xa để mong muốn năm mới tốt lành sẽ đến với tất cả mọi người mà mình yêu quý.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Cùng nâng ly chúc một năm mới may mắn nào
 

4.3. Thờ cúng tổ tiên và những vị thần bảo hộ

Cũng như nhiều nước châu Á khác, năm mới là dịp để người Nhật Bản thể hiện lòng tôn kính và tưởng nhớ đến ông bà và tổ tiên của mình và các vị thần. Họ làm mâm cỗ, đặt các loại bánh dầy, bánh Tokonoma truyền thống lên bàn thờ để bày tỏ tấm lòng thành kính của mình, đồng thời mong được các vị thần và tổ tiên phù hộ cho năm mới thuận lợi và an lành.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Năm mới là dịp để người Nhật Bản thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên
 

4.4. Tiền lì xì

Giống với phong tục mừng tuổi đầu năm ở Việt Nam, Otoshidama là tiền lì xì mà người lớn Nhật Bản dành cho trẻ em vào dịp năm mới như một lời chúc mừng năm mới khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn và học hành giỏi giang. Những đứa trẻ luôn luôn háo hức và rất lễ phép khi nhận khoản tiền mừng tuổi này từ người lớn.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Cũng như Việt Nam, tết là dịp những em bé Nhật Bản được nhận lì xì từ người lớn
 

Người Nhật thường để tiền mừng tuổi trong những phong bao lì xì Pochibukuro rất dễ thương được trang trí bằng nhiều hoa văn, nhân vật hoạt hình hay hình ảnh con giáp đại diện cho năm mới.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Bao lì xì rất dễ thương phải không các bạn?
 

4.5. Thăm nhà họ hàng, bạn bè

Thông thường, ngày mồng 1 tết là thời gian người Nhật dành cho gia đình và người thân của mình. Sau đó, những ngày sau đó sẽ là dịp để họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp được gặp nhau, hội họp và chúc tụng nhau năm mới mạnh khỏe may mắn. Họ tới chúc tết cấp trên ở công ty, những người đồng nghiệp thân thiết, họ hàng, bạn bè và những người hàng xóm láng giềng.

Vào những ngày tết, nhiều gia đình Nhật Bản còn để một cuốn sổ kèm bút trước cổng nhà để khách đến chúc tết ghi lại tên để thông báo rằng mình đã đến thăm nhà. Nhiều người khách tới chúc tết sẽ tặng chủ nhà những chiếc khăn tay nhỏ để làm kỷ niệm.

4.6. Các lễ hội và trò chơi dân gian

Vào những ngày đầu năm mới, các hoạt động viết thư pháp, lễ hội trà đạo, ngắm hoa,... sẽ được diễn ra và là những hoạt động truyền thống rất thu hút người tham gia.

Người Nhật Bản cũng rất thích chơi các trò chơi dân gian vào dịp đầu năm mới. Một số trò tiêu biểu vào dịp năm mới như là:

  • Thả diều Takoage: trò chơi này rất phổ biến vào dịp đầu năm. Những chiếc diều được làm bằng khung tre và giấy dán và được trang trí rất đẹp và thả lên bầu trời đã được coi là hoạt động đặc trưng của ngày tết.
  • Cầu lông Hanetsuki: đây cũng là một trò chơi dân gian rất phổ biến trong dịp tết. Người Nhật quan niệm rằng, quả của cây bồ hòn được dùng làm trái cầu được phiên âm ra là Mukuroji có nghĩa là “đứa trẻ không đau ốm”.  Vì vậy, người ta thường chơi Hanetsuki vào dịp năm mới để cầu chúc cho trẻ con luôn khỏe mạnh.
du lịch nhật bản tết dương lịch
Thả diều Takoage là trò chơi dân gian phổ biến vào dịp tết
 
du lịch nhật bản tết dương lịch
Hay cầu lông kiểu Nhật cũng là trò chơi có ý nghĩa trong dịp tết
 

III. Mâm cơm dịp tết của người Nhật có gì?

Du lịch Nhật Bản tết dương lịch không chỉ giúp du khách tìm hiểu về những hoạt động mang bản sắc văn hóa, dân gian của Nhật Bản mà còn là cơ hội tuyệt vời để bạn khám phá về ẩm  thực Nhật Bản dịp tết. Vậy trong mâm cỗ tết của người Nhật có những gì?

1. Toshikoshi Soba - Mỳ trường thọ

Vào bữa tối tất niên, khi cả gia đình Nhật quây quần bên nhau, họ sẽ cùng nhau thưởng thức món mỳ trường thọ Toshikoshi Soba.

Mỳ soba được chế biến bằng cách trộn bột kiều mạch và bột mỳ, nhào và lăn cho mỏng rồi cắt thành từng sợi dài, luộc chín, ăn với nước tương đậu nành, củ cải mài, sợi rong biển, thêm chút mù tạt,...Mỳ được ăn kèm với Tempura tôm, cá trích, tàu hũ chiên,...

du lịch nhật bản tết dương lịch
Một bát mỳ trường thọ của Nhật Bản
 

Bí mật khiến cho mỳ Toshikoshi Soba có ý nghĩa quan trọng đối với người Nhật Bản là ở hình dáng của sợi mỳ. Sợi mỳ rất dài tượng trưng cho cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ. Ngoài ra, sợi mỳ soba còn có thể cắn đứt dễ dàng, cũng như mong muốn được loại bỏ những phiền muộn và cắt đứt những vận hạn của năm cũ, sẵn sàng chào đón năm mới. Vì những lý do đó mà mỳ trường thọ là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ tết của người Nhật Bản. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản tết dương lịch, bạn nhớ phải thử món ăn độc đáo này nhé.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Sợi mỳ rất dài tượng trưng cho sức khỏe và sự trường thọ
 

2. Osechi

Osechi là món ăn tiêu biểu nhất vào dịp tết. Nó chỉ được thưởng thức tại nhà vào ngày đầu tiên của năm mới. Trong tiếng Nhật, “sechi” có nghĩa là chuyển giao các mùa. Với mong muốn “hạnh phúc chồng hạnh phúc”, Osechi gồm các khay đồ ăn được xếp chồng lên nhau, bên trong chứa toàn những món ăn mang ý nghĩa phước lành.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Osechi- gồm các khay đồ ăn xếp chồng lên nhau
 

Ngoài ra, người Nhật quan niệm rằng không nên nấu nướng vào những ngày đầu năm mới nên Osechi sẽ được hoàn thành trước khi kết thúc ngày cuối cùng của năm cũ và những món ăn trong Osechi đa phần là những đồ ăn có thể bảo quản lâu để phụ nữ có thể thảnh thơi tận hưởng những ngày tết.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Một số món ăn trong Osechi
 

3. Ozoni

Ozoni là món súp truyền thống quan trọng của gia đình Nhật vào dịp tết. Ozoni bao gồm bánh dày được ninh cùng thịt gà, rau củ và nước dùng Dashi. Tùy từng vùng miền mà Ozoni sử dụng những nguyên liệu và cách chế biến khác nhau. Ví dụ như những vùng quanh Tokyo thường dùng bánh dày vuông và nước dùng trong. Trái lại, vùng Osaka lại chuộng bánh dày tròn và nước dùng Miso trắng. Tuy nhiên, nhìn chung thì những nguyên liệu không thể thiếu trong món súp này là: mochi (bánh dày), đậu hũ, thịt gà, khoai, rau củ,...

du lịch nhật bản tết dương lịch
Một bát Ozoni vào dịp tết Nhật Bản
 

4. Mochi

Người Nhật thường ăn bánh mochi vào những dịp lễ tết, sự kiện. Mochi không chỉ có mỗi cách là chế biến Ozoni, người Nhật có nhiều cách ăn mochi khác như nướng lên rồi chấm với Shoyu và cuộn rong biển bên ngoài, mochi chấm đường hay nhào với đậu đỏ,...

du lịch nhật bản tết dương lịch
Mochi (Bánh dày Nhật) là món ăn được ăn nhiều vào dịp năm mới ở Nhật Bản
 

5. Cháo thất thái

Vào ngày 7 tháng 1, người Nhật thường nấu và thưởng thức cháo thất thái cùng 7 loại rau được coi là 7 thảo dược của mùa xuân như cần ta, rau tề, cải cúc, tinh thảo, củ cải,...

Sau khi ăn quá nhiều món ăn ngày tết, cháo thất thái là món ăn giúp người Nhật Bản làm dịu bụng, cung cấp cho cơ thể dưỡng chất từ rau xanh và mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới tràn đầy sức khỏe.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Bát cháo thất thái gồm 7 loại rau củ được coi là thảo dược mùa xuân
 

6. Rượu Sake

Rượu Sake không chỉ là loại rượu truyền thống của Nhật mà nó còn là niềm tự hào của nền ẩm thực cũng như nền văn hóa Nhật Bản. Vì vậy, rượu Sake cũng là thứ đồ uống không thể thiếu vào dịp tết Nhật Bản. Người Nhật Bản quây quần bên mâm cơm gia đình hay tụ họp với bạn bè đều sẽ cùng nhau nâng chén rượu Sake để cầu chúc cho một năm mới thật nhiều sức khỏe và may mắn.

du lịch nhật bản tết dương lịch
Sake - rượu truyền thống Nhật Bản là đồ uống không thể thiếu trong dịp tết
 

Trên đây là những hoạt động đón năm mới cũng như những món ăn truyền thống hấp dẫn của người Nhật mà du khách có cơ hội khám phá nếu đi du lịch Nhật Bản tết dương lịch. Nếu bạn yêu mến đất nước của những phong tục tập quán và nền văn hóa thú vị này thì hãy cùng chúng tôi trải nghiệm những giây phút tuyệt vời đáng nhớ tại đây nhé!

► Tham khảo các Tour du lịch Nhật Bản

Có thể bạn cũng quan tâm:

Vân Trần / nhatbantravel.com - Ảnh: Internet.


Xem thêm: Nhật Bản tết dương lịch

Quay về trang trước Lên đầu trang

Tin cùng chuyên mục